Hướng dẫn cách đọc Báo cáo tài chính nhanh nhất

08/12/2022

HƯỚNG DẪN CÁCH ĐỌC BÁO CÁO TÀI CHÍNH NHANH VÀ CHÍNH XÁC NHẤT!

Báo cáo tài chính cơ bản bao gồm các báo cáo sau:

  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách đọc từng báo cáo trên như thế nào nhé

huong-dan-doc-bctc-nhanh-nhat.png

Ảnh minh họa: Hướng dẫn cách đọc BCTC nhanh nhất

1. Với bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là nơi ghi nhận toàn bộ tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp. Trong đó tài sản thì bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn, còn nguồn vốn bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay, lợi nhuận chưa phân phối … và luôn tuân theo nguyên tắc là Tài sản = Nguồn vốn.

Tài sản có hai loại:

  • Tài sản ngắn hạn là tài sản dưới một năm gồm tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho …
  • Tài sản dài hạn là tài sản trên một năm sử dụng gồm tài sản cố định như máy móc nhà xưởng, tài sản cố định vô hình như bản quyền phát minh, bằng sáng chế và các khoản phải thu dài hạn …

Nguồn vốn được hình từ nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu:

  • Nợ phải trả bao gồm: các khoản phải trả người bán, các khoản vay, nợ thuê tài chính, thuế và các khoản phải nộp cho cơ quan nhà nước, phải trả người lao động, phải trả khác … nợ phải trả cũng được phân loại thành phải trả ngắn hạn dưới một năm và phải trả dài hạn trên một năm.
  • Vốn chủ sở hữu bao gồm: Vốn góp thực tế của chủ sở hữu, vốn góp từ cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ đầu tư phát triển …

2.  Với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là nơi phản ánh doanh thu, giá vốn, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong báo cáo này có chỉ tiêu lợi nhuận gộp được tính bằng doanh thu thuần trừ đi giá vốn hàng bán là chỉ tiêu quan trọng phản ánh lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Trong khi đó chi phí quản lý bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có ý nghĩa phản ánh hiệu quả quản trị kinh doanh.

3. Với báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo này cho chúng ta thấy dòng tiền trong công ty luân chuyển như thế nào, nguồn tiền đến từ hoạt động kinh doanh nào và chi tiêu cho những hoạt động gì. Các dòng tiền cơ bản trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm:

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: phản ánh phát sinh tiền thu được tự hoạt động bán hàng và chi trả nợ cho nhà cung cấp, chi trả cho người lao động, nộp thuế … và chi khác
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Là phát sinh liên quan đến việc mua sắm tài sản cố định, tiền thu từ hoạt động thanh lý TSCĐ và hoạt động đầu tư khác.
  • Dòng tiến từ hoạt động tài chính: Thể hiện phát sinh từ hoạt động đi vay và trả nợ tiền vay, sự biến động vốn chủ sở hữu thông qua hình thức nhận góp vốn mới, phát hành cổ phiếu, chi trả cổ tức …

4. Với thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh BCTC là sự mô tả lại chi tiết cho 3 báo cáo trên và các thông tin cần thiết khác. Báo cáo cho chúng ta biết biến động chi tiết cơ cầu nguồn vốn, các khoản vay, cơ cấu tài sản cố định …

MỘT SỐ CHỈ SỐ TRONG PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH CĂN BẢN

Căn cứ các chỉ tiêu tài chính trong bộ báo cáo tài chính của doanh nghiệp chúng ta có thể thiết lập được các chỉ số tài chính quan trọng dùng để phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp.

NHÓM CHỈ SỐ KHẢ NĂNG THANH TOÁN

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn

Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn =  Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Thể hiện khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng được các nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn. Nếu chỉ số này nhỏ hơn 1 thì thể hiện khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn yếu, báo hiệu rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tài chính, vì vậy chỉ số này phải luôn duy trì lớn hơn 1 để đảm bảo an toàn trong hoạt động tài chính.

Hệ số khả năng thanh toán tức thời

Hệ số khả năng thanh toán tức thời  =  Tiền và các khoản tương đương với tiền / Nợ ngắn hạn

Hệ số này thể hiện nguồn tiền mặt có dồi dào có thể đáp ứng ngay việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn mà không phụ thuộc đến thu các khoản phải thu, bán hàng tồn kho ... Hệ số này hữu ích để đánh giá khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp khủng hoảng, khi mà hàng tồn kho không tiêu thụ được, cũng như các khoản nợ phải thu khó thu hồi.

Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Khả năng thanh toán nhanh =  (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho ) / Nợ ngắn hạn

Hệ số này thể hiện khả năng thanh toán nhanh trong thời gian hàng tồn kho tiêu thụ chậm, việc thu hồi nợ khó khăn …

NHÓM CHỈ SỐ CƠ CẤU NGUỒN VỐN, CƠ CẤU TÀI SẢN

Hệ số cơ cấu nguồn vốn

Hệ số nợ  =  Nợ phải trả / Tổng nguồn vốn

Hệ số vốn chủ sở hữu  =  Vốn chủ sở hữu  / Tổng nguồn vốn

Các hệ số này cho thấy nguồn vốn của doanh nghiệp được hình thành chủ yếu từ đâu, mức độ độc lập về tài chính của doanh nghiệp hay rủi ro về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Chỉ số này có ý nghĩa quan trọng với các đối tác cho vay vốn kinh doanh, các nhà đầu tư nên thường được họ xem xét rất kỹ.

Hệ số cơ cấu tài sản

Tỷ lệ tài sản ngắn hạn  =  Tài sản ngắn hạn  / Tổng tài sản

Tỷ lệ tài sản dài hạn  =  Tài sản dài hạn  / Tổng tài sản

Các hệ số này cho thấy cơ cấu tài sản ngắn và dài hạn trong doanh nghiệp, tùy từng ngành nghề kinh doanh mà mức cơ cấu này có thể khác nhau.

NHÓM CHỈ SỐ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) =  Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân

Hệ số phản ánh hiệu suất sinh lời của 1 đồng tài sản thì đang tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) =  Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu bình quân

Chỉ số này phản ánh khả năng sinh lời của mỗi đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra, cho thấy sự hiệu quả của việc sử dụng vốn trong kinh doanh.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) =  Lợi nhuận sau thuế  / Doanh thu thuần

Chỉ số này cho chúng ta biết khả năng tạo ra lợi nhuận của 1 đồng doanh thu thuần, tỷ suất này phụ thuộc vào đặc điểm của từng ngành nghề kinh doanh có sự khác nhau.

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản

Tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP) =  Lợi nhuận trước lãi vay và thuế  / Tổng tài sản bình quân

Phản ánh khả năng sinh lời của tài sản khi chưa trừ lãi vay và thuế, vì vậy nhận biết được việc sử dụng vốn vay có ảnh hưởng thế nào để lợi nhuận của doanh nghiệp.

NHÓM CHỈ SỐ HIỆU SUẤT HOẠT ĐỘNG

Số vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho  =  Giá vốn hàng bán / Hàng tồn kho bình quân

Hệ số này phản ánh 1 đồng vốn hàng tồn kho quay được bao nhiêu vòng trong một chu kỳ. Số vòng quay càng cao thì thể hiện doanh nghiệp quản lý hiệu quả dự trữ hàng tồn kho, tình hình tiêu thụ sản phẩm tốt.

Và từ đó chúng ta có thể tính được số ngày bình quân của 1 vòng quay hàng tồn kho, chỉ số này phản ánh hàng tồn trong kho bao nhiêu ngày thì tiêu thụ được.

Số ngày bình quân của 1 vòng quay hàng tồn kho  =  365 / Vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay nợ phải thu

Vòng quay nợ phải thu =  Doanh thu bán hàng / Các khoản phải thu bình quân

Hệ số này phải ánh nợ phải thu luân chuyển được bao nhiêu vòng, từ chỉ số này chúng ta cũng có thể tính được số ngày thu tiền bình quân 1 vòng quay nợ phải thu.

Số ngày 1 vòng quay nợ phải thu =  365 / Vòng quay nợ phải thu

Hiệu suất sử dụng tài sản cố định

Hiệu suất sử dụng tài sản cố định =  Doanh thu thuần / Nguyên giá tài sản cố định bình quân

Chỉ số phản ánh hiệu suất sử dụng tài sản cố định trong kỳ của doanh nghiệp.

Trên đây là hướng dẫn cách đọc báo cáo tài chính, phương pháp tính ra một số chỉ số phân tích tài chính căn bản từ các chỉ tiêu trong bộ báo cáo tài chính. Việc phân tích sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta so sánh được nhiều kỳ với nhau để cho thấy sự biến động của các chỉ số tài chính, từ đó nắm được xu thế biến động của các chỉ số này. Đặc biệt các bạn có thể tham khảo các phần mềm như Dsoft CĐT (phần mềm cho đơn vị chủ đầu tư thông tư 79) Dsoft HCSN (phần mềm cho đơn vị  HCSN, thông tư 107); Dsoft Accouting (phần mềm cho doanh nghiệp mọi loại hình). Các hệ thống Phần mềm này sẽ cung cấp cho các bạn 1 bộ báo cáo tài chính 2022 nhanh và chính xác nhất

DTH hy vọng với những thông tin này sẽ  giúp các bạn có thể đọc được BCTC nhanh và sở hữu bộ BCTC đúng - đủ nhất.

Chúc các bạn thành công.

Nguồn: Tham khảo tổng hợp

Xem thêm:

Sổ sách báo cáo tài chính năm 2022 gồm những gì? Thời hạn nộp?

Lịch nộp Tờ khai thuế, Báo cáo thuế 2023, Báo cáo tài chính 2022

Phần mềm kế toán chủ đầu tư theo Thông tư 79

Phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư 107

Phần mềm kế toán doanh nghiệp mọi loại hình

Chat Online